Cảm giác buồn bã không nghiêm trọng bằng trầm cảm song khiến hoạt động cơ thể bị xáo trộn và ảnh hưởng đến người thân.
Chúng ta đều biết trầm cảm dẫn đến các vấn đề sức khỏe như bệnh tim mạch, tiểu đường và chứng hoảng loạn. Trên thực tế, ngay cả nỗi buồn thường ngày cũng có thể khiến bạn yếu đi.
Theo Prevention, nghiên cứu đăng trên tạp chí Molecular Psychiatry nhận định khi buồn chán, não giải phóng các chất hóa học tương tự thuốc phiện để bù đắp, khiến hoạt động của hệ miễn dịch bị cản trở, đẩy cao nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và hội chứng chuyển hóa.
“Kể cả khi buồn bã không phải trầm cảm, nó vẫn ức chế cơ thể trong một khoảng thời gian nhất định”, Tiến sĩ John E. Mayer (Mỹ), nhà tâm lý học lâm sàng kiêm tác giả cuốn Family Fit cho biết. Nỗi buồn càng kéo dài, các hormone gây stress như cortisol càng tăng. Kết quả là đường huyết, huyết áp, chất lượng giấc ngủ bị xóa trộn. Bạn cũng dễ đau đầu, đau cơ khớp.
Bên cạnh đó, thói quen ăn uống sẽ thay đổi. Nghiên cứu năm 2013 của tờ Plos One phát hiện tâm trạng xấu khiến bạn muốn ăn thực phẩm có vị đắng, ngọt hoặc chua. Điều này dẫn đến thiếu hụt dưỡng chất và thừa cân, về lâu dài thậm chí gây ra huyết áp cao cùng bệnh tim.
Tệ hơn, nỗi buồn của bạn còn kéo theo người thân lây tâm trạng, nhất là vợ/chồng, nghiên cứu năm 2014 của tạp chí Motivation and Emotion khẳng định.
May mắn là cảm giác buồn bã thường sớm kết thúc chứ không kéo dài 24/7 như trầm cảm. Để giảm stress cho cả cơ thể lẫn tinh thần, bạn nên thiền hoặc tập thể dục đều đặn, ngủ đủ và thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh.