Với những người bệnh tăng huyết áp được điều trị tại nhà, điều cần quan tâm nhất là giữ cho huyết áp ở mức ổn định, không tăng vượt quá mức an toàn.
Kiểm tra huyết áp thường xuyên
Bạn cần giúp người bệnh kiểm tra huyết áp tại nhà bằng máy đo điện tử mỗi ngày 1 – 3 lần. Mỗi lần nên đo 2 lần liên tiếp cách nhau vài phút và lấy trung bình. Trước khi đo, cần nhắc bố mẹ nghỉ ngơi hoàn toàn trong 15 phút và ghi chép lại vào sổ để bác sĩ có thể chẩn đoán đúng hơn.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Người bệnh cao huyết áp cần hạn chế ăn thức ăn mặn, hạn chế mỡ động vật và dầu dừa mà nên dùng dầu hướng dương, dầu vừng, dầu đậu nành; Ăn nhiều chất đạm có nguồn gốc từ cá và thực vật, không ăn nhiều đạm từ gia súc gia cầm và không ăn quá ngọt dù không bị bệnh đái tháo đường.
Người có bệnh cao huyết áp cần kiêng hoàn toàn bia, rượu, thuốc lá.
Uống thuốc đầy đủ
Việc dùng thuốc để khống chế huyết áp dưới mức 140/90 mmHg là vô cùng cần thiết. Ở nhà, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, khám lại đúng kỳ hẹn, không tự ý mua thuốc ở ngoài hay uống thuốc theo sự chỉ dẫn của người quen, bạn bè không có chuyên môn y tế. Lưu ý khi chăm sóc người già bị tăng huyết áp bạn cũng không được phép ngưng hay đổi thuốc cho người bệnh nếu chưa có sự cho phép của bác sĩ.
Theo dõi các triệu chứng bất thường
Nếu người già bệnh huyết áp bất chợt có những dấu hiệu như: Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt… cần để người bệnh nằm nghỉ tại chỗ, đo lại huyết áp và không di chuyển người bệnh vội vã vì dễ gây tai biến mạch máu não, nên đi khám ngay sau đó dù chưa đến hẹn tái khám.
Chế độ luyện tập
Tham gia các hoạt động thể lực nhẹ nhàng, phù hợp là việc làm đúng đắn để có trái tim khỏe mạnh, giúp khí huyết lưu thông và khiến tinh thần thoải mái, tỉnh táo.
Tùy thuộc vào thể trạng, sức khỏe của mỗi người mà khi chăm sóc người già bị tăng huyết áp, bạn có thể chọn lựa các phương pháp luyện tập khác nhau: đi bộ, yoga, tập dưỡng sinh… Bạn cần nhắc người bệnh chú ý tránh các hoạt động như lặn, leo núi, đá bóng…